Các nhà khoa học từ Đại học Curtin (Australia) đã khám phá ra cơ chế hình thành phân tử nước trên các tiểu hành tinh di chuyển trong vũ trụ. Đây là một bước đột phá hứa hẹn được mở rộng sang nghiên cứu các thiên thể khác, ví dụ như mặt trăng.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Astronomy chỉ ra nước có thể hình thành trên bề mặt các tiểu hành tinh trong điều kiện gió mặt trời và các tác động từ thiên thạch hội tụ tại nhiệt độ rất thấp.
Theo tiến sĩ Katarina Miljkovic (ĐH Curtin), nghiên cứu đã chứng minh được vai trò cần thiết của không chỉ một, mà là hai thành tố của sự phong hóa vũ trụ - các electron và sự sốc nhiệt (xảy ra khi có sự biến đổi đột ngột về nhiệt độ) – trong việc duy trì nguồn cung các phân tử nước trên các hành tinh nhỏ. “Quá trình hình thành phân tử nước trên bề mặt đầy phức tạp này có khả năng tương đồng với cơ chế tạo nguồn cung nước trên các thiên thể thiếu không khí như mặt trăng chẳng hạn”. Tác giả nghiên cứu cũng khẳng định ý nghĩa to lớn của phát hiện trên, bởi trữ lượng nước trong Hệ Mặt trời là nguyên tố đặc biệt quan trọng quyết định khả năng duy trì sự sống ngoài vũ trụ.”
Được tài trợ bởi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu một mẩu của thiên thạch Murchison rơi xuống khu vực bang Victoria, Australia từ 50 năm trước. Điều kiện thời tiết của vành đai tiểu hành tinh này sẽ được mô phỏng bên trong một cỗ máy được thiết kế đặc biệt chiếu theo các đặc điểm trên bề mặt của tiểu hành tinh.
Ngoài ra, các hạt electrons năng lượng hóa và tia laser sẽ được sử dụng để mô phỏng gió mặt trời và các thiên thạch nhỏ va đập vào tiểu hành tinh. Nhiệt độ phân tử nước trên bề mặt cũng được liên tục kiểm soát tương tự như môi trường ngoài vũ trụ. Khi đó, ảnh hưởng từ các thiên thạch sẽ khơi mào phản ứng, cộng thêm gió mặt trời tác động lên bề mặt khiến các nguyên tử oxy và hydro tự do liên kết với nhau và tạo ra nước.
Dự án nghiên cứu còn có sự cộng tác của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Hawai’i Mānoa và Đại học San Marcos Bang California.
Nguồn: https://phys.org/news/2019-10-regenerated-asteroids.html
Công Nhất phys.org